Frank Lloyd Wright: Kẻ mộng mơ hay thiên tài

“Ngày 8 tháng 6 năm 1869 đánh dấu sự khởi đầu kỉ nguyên mới của thế giới”, Olgivanna, người vợ thứ 3 của Frank nói. “Trong ngày hôm đó, một món quà lớn đã được ban tặng” – ám chỉ chồng bà, một người đàn ông đã “dẫn dắt đồng đội của mình đến những hình thức sáng tạo của lối sống và giải phóng con người khỏi chính căn nhà của anh ta”. Bà lặp lại nhiều lần rằng Wright là một người đàn ông tuyệt vời, một thiên tài.

Frank Lloyd Wright và người vợ Olgivanna

Và quả thật ông là người như vậy. Trong những công trình đầu tay của mình, Wright đã quy hoạch lại các ngôi nhà theo cách tự do hơn, năng động hơn, không gian mở và thay đổi đường lối của kiến trúc hiện đại. Từ công trình đầu tiên trong những năm tuổi 20 đến khi qua đời ở tuổi 91, cuộc đời của Frank Lloyd Wright là dòng chảy của sáng tạo và lao động.

Mặc dù gặp những vấn đề cá nhân, ông vẫn tiếp tục quay trở lại với công việc. Vòng xoắn ốc trắng của bảo tàng Guggenheim ở New York và kiến trúc địa chất của biệt thự Fallingwater ở Pennsylvania là hai trong số những hình ảnh tiềm năng nhất của các công trình kiến trúc thế kỷ 20. Nếu Wright bất tử, ông sẽ được tôn vinh và có một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở New York với những bản vẽ và mô hình của mình.

Tuy nhiên trong số tất cả các kiến trúc sư lớn, ông gây ra cho tôi sự dị ứng đặc biệt. Không phải bởi vì ông là một người theo chủ nghĩa kì ảo, kẻ nói dối và thường tàn phá cảm xúc; không phải do các tòa nhà của ông bị rò rỉ, sụp đổ và đã nhiều lần vượt quá ngân sách; không phải bởi những chiếc ghế mà ông thiết kế dừng hoạt động và đáp ứng vừa đủ các tiêu chuẩn cơ bản; không phải vì ông đã viết và nói ra những điều vô nghĩa; cũng không phải do ông là một người đạo đức giả thuyết giảng về dân chủ và tự do, nhưng tán dương Mussolini và Stalin. Điều thực sự gây tranh cãi về tài năng của ông là nó thường xuyên chệch hướng thành những màn trình diễn nghệ thuật bởi những lý do chẳng ai biết cả.

Bây giờ bạn có thể làm phép tính đơn giản, năm 1869 cách hiện tại 148 năm, không phải 150. Điều này đúng, nhưng tuyên bố của Olgivanna thì không. Bà ta đang nối gót chồng mình, như tác giả tiểu sử của Wright, Brendan Gill đã viết, “người là bậc thầy về nguỵ chứng”. Trong quyển tự truyện đầy hoa mĩ, phóng đại của Wright, bất cứ khi nào muốn, ông đều có thể bịa chuyện, như cuộc hôn nhân của cha mẹ ông ta, hoặc sáng tác các “tác phẩm” đứng dưới tên người khác. “Khách sạn vẫn đứng vững như tài năng của ông” là nội dung một bức điện tín gửi từ Tokyo tới Wright, khi khách sạn Imperial do ông thiết kế trải qua cơn động đất Kanto lịch sử năm 1923. Với một số bằng chứng, Gill cho rằng Wright đã tự gửi bức thư này cho chính mình. Những lời nói dối của ông ta bao gồm cả năm sinh, điều mà vợ ông – Olgivanna liên tiếp lặp lại.

Sự dối trá ấy đã giúp Wright trong suốt cuộc đời dài của mình với việc lừa khách hàng trả nhiều tiền hơn mong muốn cho các công trình mang lại hiệu quả ít hơn nhiều so với yêu cầu. Các khách hàng lặp lại việc viết thư phàn nàn và nhận được câu trả lời rằng họ sẽ có được “thứ hoàn hảo nhất của thế giới – một bản giao hưởng trong nhà chân thật, sống động, thoải mái” và tuyên bố rằng, “Các thế hệ tiếp theo của họ sẽ là chủ nhân của những thứ tốt đẹp! Chân lí! Tuyệt mĩ!”. Trên tòa nhà Johnson Wax ở Racine, Wright tham vọng sử dụng các mảng ống Pyrex để chống lại thời tiết ở Wisconsin. Khi dự định thất bại, ông đổ lỗi cho công nghệ hiện đại vì không theo kịp ý tưởng của mình.

“Một tác phẩm đẹp đến nỗi tất cả những thứ khác có thể bị xoá nhoà” – Fallingwater, Pennsylvania

Wright luôn sử dụng những lời tuyên truyền với sự linh hoạt vô hạn. Ông đấu tranh cho “kiến trúc hữu cơ”, muốn các công trình phát triển tự nhiên từ công năng và địa hình. Tuy rằng các dự án của ông có tính khả thi cao nhưng lại mập mờ về công năng. Ông thường nói về bản chất “dân chủ” trong các thiết kế và ý tưởng của mình. Sau đó ông đã thuyết giảng tại Moscow, đề xuất rằng Liên Xô là một nơi lý tưởng để thực hiện chúng.

Ông chống lại phong cách cầu kì phô trương và tham vọng quá mức của các kiến trúc sư khác, sau đó đưa ra mẫu người giống như bản thân – “người duy nhất dẫn đường cho chúng ta một cách thực sự”. Không có gì ngạc nhiên khi ông là nguyên mẫu cho nhân vật Howard Roark, anh hùng chủ nghĩa cá nhân của Ayn Rand trong tác phẩm “Suối nguồn”.

Ông tìm thấy trong Olgivanna một niềm tin kỳ lạ, một người phối hợp hoàn hảo. Travels With Frank Lloyd Wright: The First Global Architect, cuốn sách của Gwyn Lloyd Jones, kể lại  rằng Olgivanna khăng khăng buộc người học việc chính của Wright, William Wesley Peters cưới Svetlana, con gái của Joseph Stalin. Thực tế Peters từng kết hôn với một cô gái tên Svetlana, người đã chết trong một tai nạn xe hơi và là con gái của Olgivanna. Olgivanna nghĩ rằng linh hồn của con gái bà ta đã trú ngụ trong thân xác khác. Cô nàng Svetlana thứ hai này chắc sẽ nhận ra rằng gia đình Wright chẳng khác gì với người bố ở nhà của mình, người mà cô tưởng đã trốn thoát được.

Với tất cả những điều trên, Wright chẳng có vẻ gì giống với hai người khổng lồ khác của thế kỉ 20 là Le Corbusier và Mies van der Rohe. Họ đều tạo ra những công trình biểu tượng cho riêng mình – Villa Savoye của Corb, Farnworth House của Mies và Fallingwater của Wright. Những tác phẩm vĩ đại nhất của họ đều đáng kinh ngạc, đẹp đẽ và thay đổi thế giới, đến nỗi mọi thứ khác có thể bị xoá nhoà.

Tuy vậy, trong các công trình của Wright, tôi thường xuyên cảm thấy tính cách thống trị, ồn ào và ưa kiểm soát của ông ấy sẽ không để cho bạn yên. Tôi nhận thấy điều đó khi làm việc trong khuôn viên của trường đại học Nam Florida (Florida Southern College), nơi có những dãy cột với công năng đáng nghi ngờ trải dài hàng dặm, cùng với những vật thể trang trí hình học kéo dài vô tận. Tôi nhận thấy điều đó trong công trình Robie House, một kiệt tác những năm đầu Wright ở Chicago và một ví dụ điển hình của phong cách Prairie. Chiều ngang kéo dài của công trình khẳng định sự tự do biểu đạt không gian mở trong thời đại mới, nhưng mỗi chi tiết và sự chuyển động của không gian đều không cần thiết đối với người sử dụng. Tuyến đường dốc trong bảo tàng Guggenheim mặc dù hùng vĩ nhưng chỉ cung cấp một con đường để đi.


Những công trình hài hước nhất của Wright lại xuất phát từ giai đoạn muộn màng trong cuộc đời thiết kế của ông, chẳng hạn như Trung tâm Hành chính Hạt Marin gần San Francisco. Toà nhà là sự kết hợp của tàu bay UFO và ống dẫn nước của người La Mã. Nó mang màu xanh da trời rực rỡ, kết hợp với phần cảnh quan hồng và vàng, trông khá ngây thơ, làm giảm đi sự nghiêm túc của công trình.

Trung tâm Hành chính Hạt Marin

Wright giống như một lãnh tụ tôn giáo: lôi cuốn, gian lận và thống trị, thu hút được rất nhiều “con chiên” sẵn sàng hy sinh cho mình. Ông đã trở thành hình tượng một thiên tài không tưởng, khiến cho các kiến trúc sư sau này có động lực vượt qua chính mình để trở thành những thiên tài như vậy. Hoặc là khiến họ nhận ra thiên tài đúng là “không tưởng”. Ngay cả những công trình nổi tiếng nhất của Wright như Fallingwater và Guggenheim cũng có sai sót. Tuy nhiên, thế giới sẽ trở nên thật nhàm chán nếu thiếu chúng.

Tác giả bài viết Rowan Moore là một nhà phê bình kiến trúc. Anh đã được trao tặng giải thưởng “Nhà phê bình của năm” tại UK press award 2014. 

Theo The guardian

Biên dịch: Hà Ngô | kienviet.net

Nhận xét
Bài viết khác Cùng danh mục
  • Gửi đi
  • Nhập số điện thoại của bạn để được tư vấn!